"Thực tế, 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn nhất của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài "thôn tính" và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn", ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam cho biết bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 21 ngành công nghiệp bao bì và in ấn 2023 - Vietnam PrintPack 2023.
Đại gia thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành in tích
cực nhất để mở rộng quy mô tại Việt Nam trong những năm qua không thể không nhắc
đến tập đoàn SCG Thái Lan.
SCG Group, gã khổng lồ Thái Lan, là một trong những
doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn SCG cũng nằm trong
nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu
tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992.
So với các doanh nghiệp từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật,
các tập đoàn Thái Lan được đánh giá có một số ưu thế hơn do vị trí địa lý, sự
tương đồng về văn hóa. Đến nay, SCG Group quản lý hơn 20 công ty con tại Việt
Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG
Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG
Packaging).
Riêng với mảng bao bì, SCG có mặt từ hơn một thập kỷ
và tăng tốc từ nửa cuối năm 2020. Cũng tương tự những mảng kinh doanh khác, tập
đoàn này khởi đầu bằng các liên doanh nhưng sau đó mở rộng quy mô nhanh hơn bằng
các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp bao bì nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn SCG Việt Nam đã lên đến 10 đơn vị.
Ảnh:
SCG Việt Nam
Có thể điểm tên những thương vụ M&A ngành bao bì
đình đám nhất của SCG như thương vụ mua lại 80% Bao bì Tín Thành, 94% Bao bì
Biên Hòa hay 70% Nhựa Duy Tân...
Năm 2015, công ty bao bì nhựa TC - công ty thành viên
của tập đoàn SCG - đã mua lại thành công 80% cổ phần của Công ty cổ phần
Bao bì Tín Thành (Batico).
Giá trị thương vụ cũng như thông tin về sản xuất của Batico không được tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Thái Lan này công bố. Tuy nhiên những người trong ngành cho rằng Batico là doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại Việt Nam với thâm niên khoảng 20 năm hoạt động.
Hình
ảnh minh họa
Tháng 12/2020, TCG Solutions Pte. Ltd thuộc quản lý của
Thai Containers Group Co., Ltd - Công ty thành viên Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua
thành công 12,1 triệu cp của CTCP Bao bì Biên Hòa (HOSE: SVI) và sở hữu
94,11% vốn điều lệ của SVI.
Giá trị thương vụ khi đó theo truyền thông đưa tin vào
khoảng gần 2.100 tỷ đồng.
Công ty Bao bì Biên Hòa là một trong 5 nhà cung cấp
bao bì lớn nhất khu vực phía Nam, chuyên cung cấp bao bì cho Unilever, Pepsico,
Nestle. Với thương hiệu bao bì SVI, doanh nghiệp này có quy mô 3 nhà máy trực
thuộc, công suất 100.000 tấn/năm, liên tục đạt mức tăng trưởng bình quân
20-25%/năm.
Sau đó không lâu, ngày 9/02/2021, lễ ký kết online giữa Nhựa
Duy Tân và Công ty Bao bì SCG diễn ra, hiện thực hóa việc SCG mua 70% cổ
phần của Nhựa Duy Tân sau những thông tin đồn đoán trước đó.
Nhựa Duy Tân là một trong những doanh nghiệp đứng đầu
thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với khách hàng chính là
các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG nội địa. 80% sản phẩm của Duy
Tân được bán tại Việt Nam, 20% xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng
(tương đương 6,1 tỷ baht), với tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng (6,5
tỷ baht). Công suất hàng năm của doanh nghiệp này là 116.000 tấn bao bì nhựa cứng
và các sản phẩm nhựa gia dụng.
"Khoản đầu tư vào Duy Tân mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam", bản công bố thông tin của SCGP viết.
Chia sẻ bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 21 ngành công
nghiệp bao bì và in ấn 2023 - Vietnam PrintPack 2023, ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ
tịch Hiệp hội In cho biết, thời gian qua có hiện tượng các doanh nghiệp in ấn
và bao bì của các nước trong khu vực châu Á tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh
doanh tại Việt Nam.
Bởi lẽ, các nhà đầu tư nhìn thấy thị trường gần 100
triệu dân ở Việt Nam cho sản xuất công nghiệp đang tăng cao và tiếp tục sẽ tăng
khi mà đầu tư nước ngoài ngày càng hướng đến.
Vị chuyên gia này nhận định, nhu cầu in ấn và bao bì sẽ
tăng lên khi sản xuất công nghiệp tăng cao, đây vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra
áp lực lớn về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngành.
Theo ông Dòng, những doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư
sản xuất tại Việt Nam, thậm chí là mua lại phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm các
nhà máy sản xuất của doanh nghiệp trong nước để tận dụng nhà xưởng, công nghệ
và lưc lượng lao động lành nghề sẵn có nhằm có thể nhanh chóng tham gia thị trường.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp in của Việt Nam không
có người kế thừa, không thu hút được nguồn lực lao động, bản lĩnh kinh doanh
chưa đủ mạnh để đương đầu với thử thách thị trường khi doanh nghiệp nước ngoài
vào nên đã chọn cách "bán mình" cho nước ngoài.
"Thực tế, 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 doanh
nghiệp bao bì lớn nhất của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài "thôn
tính" và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn", ông Dòng cho biết.
Tại Hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, các chuyên
gia chỉ ra rằng, với yêu cầu và sự thay đổi liên tục của thị trường in ấn,
doanh nghiệp Việt dù có nền tảng tốt, lượng khách hàng trung thành đến đâu cũng
vẫn bị rơi vào thế yếu, không đủ sức cạnh tranh so với những nhà đầu tư nước
ngoài.
Các công ty FDI có ưu thế về tiềm lực tài chính, kinh
nghiệm sản xuất, vận hành và quản lý, khi thâm nhập vào Việt Nam chỉ cần đổ vốn
và đầu tư công nghệ là phát triển ổn định. Vì vậy, nếu không có giải pháp phù hợp,
doanh nghiệp trong nước rất dễ bị thua lỗ, dẫn đến tình trạng dễ bị lép vế,
thua kém.
Theo Trọng Nghĩa –
Tờ MarketTimes