Bộ Giao thông Vận tải đề xuất người mua ô tô điện sẽ được hỗ trợ khoảng 1.000 USD mỗi xe, trong bối cảnh doanh số tiêu thụ xe điện tại Việt Nam chỉ chiếm 0,7% so với toàn khu vực Đông Nam Á.
Ảnh
minh họa. Nguồn: NLĐ.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây vừa lấy ý kiến
các bộ, ngành, hiệp hội lần 2 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện, đề
nghị góp ý trước ngày 28/8 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8. Trước
đó, Bộ GTVT đã gửi các đề xuất cho Chính phủ, với 3 nhóm chính sách gồm hỗ trợ
người mua xe, ưu đãi cho nhà sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện.
Đối với người sử dụng, Bộ đề xuất miễn, giảm lệ phí
trước bạ và đăng ký biển số với ôtô điện. Người mua xe được tiếp cận tín dụng,
trợ giá. Doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ôtô điện được ưu đãi vốn vay,
xe buýt điện được trợ giá cao hơn xe buýt thường.
Một giải pháp hỗ trợ người dùng khác được đề xuất là
khi họ mua ô tô điện sẽ được hỗ trợ khoảng 1.000 USD (khoảng 24 triệu đồng) một
xe. Đây được coi là khoản trợ cấp nhằm thúc đẩy chuyển dịch hành vi tiêu dùng.
Thị trường ô tô điện Việt Nam ngày càng
sôi động
Vero – đơn vị tư vấn truyền thông thương hiệu tại
ASEAN mới đây phát hành sách trắng “Di chuyển xanh: Cơ hội và thách thức của thị
trường xe điện tại Việt Nam”, trong đó đề cập tới cột mốc tháng 12/2021, khi
VinFast chính thức bàn giao lô VF e34 đầu tiên. Đây là mẫu ô tô điện đầu tiên của
Việt Nam, đánh dấu bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô
tô trong nước.
Đến tháng 8/2022, theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt
Nam, cả nước có gần 3.000 ô tô điện đã được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu. Hiệp hội
Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe
điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Theo 6Wresearch, quy mô thị trường xe điện Việt Nam dự
kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 22,9% trong giai đoạn 2020-2025.
Vero đánh giá thị trường xe điện tại Việt Nam ngày
càng sôi động với sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn, cùng những chính
sách thúc đẩy bán hàng từ phân khúc xe phổ thông đến cao cấp:
- VinFast – cái tên nổi bật khi nhắc đến ô tô điện tại
Việt Nam đã lắp đặt các trạm sạc tại khắp 63 tỉnh, thành. Hôm 7/7, hãng này đã
giới thiệu tới người tiêu dùng mẫu ô tô điện mini VF3, chỉ 1 tháng sau khi công
bố.
- Trước đó vài hôm, đối thủ của VF3 là mẫu ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV chính thức được mở bán tại Việt Nam với giá chỉ từ 239 triệu đồng, trở thành sản phẩm khai mở phân khúc ô tô điện mini trên thị trường. Thương hiệu Wuling thuộc liên doanh giữa General Motors (GM), Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC), và nhà sản xuất ô tô Liuzhou Wuling của Trung Quốc.
Mẫu
ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV.
- Cuối năm 2022, Mercedes-Benz Việt Nam đã ra mắt mẫu
sedan thuần điện hạng sang EQS. Trong năm 2023, Mercedes-Benz sẽ đưa thêm 3 mẫu
SUV thuần điện về Việt Nam, bao gồm EQB SUV – SUV hạng sang cỡ nhỏ, EQE SUV –
SUV hạng sang cỡ trung, và EQS SUV – SUV hạng sang cỡ lớn.
- Những thương hiệu lớn trong phân khúc xe sang như
BMW, Porsche, Audi, Volvo cũng lần lượt giới thiệu các mẫu xe điện, cũng như
chiến lược hoàn thiện danh mục xe điện của họ tại thị trường Việt Nam trong
tương lai gần.
Mặc dù bức tranh thị trường đang khá sôi động, theo số
liệu quý 3/2022 của Statista, doanh số tiêu thụ xe điện tại Việt Nam chỉ
chiếm 0,7% so với toàn khu vực Đông Nam Á. Vero cho biết các chính sách
khuyến khích tiêu thụ xe điện từ Chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người tiêu
dùng Việt Nam sử dụng nhiều hơn.
Bài toán trạm sạc
Việc thúc đẩy “di chuyển xanh” ở Việt Nam đòi hỏi hạ tầng
tương ứng, bao gồm nguồn cung cấp điện, các trạm sạc, pin và quy trình xử lý
pin.
Vero cho biết VinFast đã lắp đặt 150.000 cổng sạc với
khoảng 3.000 trạm sạc tại những vị trí như chung cư, bãi đỗ xe, trạm dừng chân,
trạm xăng dầu... Các trạm được xây dựng với nhiều mức công suất khác nhau.
Các đơn vị phát triển hệ thống sạc xe điện thông minh như EBOOST và Charge+ cũng triển khai lắp đặt trạm sạc trên khắp Việt Nam, nhằm thúc đẩy sử dụng xe điện rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ Vero cho thấy hạn chế về
hạ tầng trạm sạc vẫn là thách thức lớn khiến người tiêu dùng e ngại chuyển sang
sử dụng ô tô điện. Theo đó, đằng sau lý do 90% người dùng không chọn mua xe điện
là bởi cho rằng thiếu hụt hệ thống trạm sạc sẽ gây ảnh hưởng quá trình sử dụng,
nhất là khi đi xe đường dài.
“Như vậy, việc lắp đặt đều đặn các trạm sạc
với nguồn điện ổn định trên những tuyến đường phổ biến để đáp ứng nhu cầu di
chuyển của người dùng xe điện là vấn đề mà các nhà sản xuất xe điện cần “bắt
tay” thực hiện”, Vero đánh giá.
Bên cạnh đó, nhiều đáp viên trong khảo sát của Vero thừa
nhận họ còn thiếu kiến thức về ô tô điện. 57% không cân nhắc mua vì chưa quen với
công nghệ và không thể phân biệt từng loại ô tô điện với nhau. Ngoài ra, 13%
cho rằng hiệu suất vận hành của ô tô điện kém.
“Các thương hiệu xe điện nên ưu tiên định
hướng cho người dùng Việt nhằm rút ngắn sự thiếu hụt thông tin, phá vỡ những lầm
tưởng và thông tin sai lệch về xe điện, cũng như chỉ ra được những ưu điểm nổi
trội và lợi ích thiết thực mà xe điện mang đến cho cuộc sống hiện nay. Từ đó
trao quyền cho người dùng đưa ra quyết định”, Vero đưa ra giải pháp.
Theo Minh Anh – Tờ
MarketTimes