Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần dầu ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp, vàng tăng do số liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến, đồng giảm, cao su Nhật Bản có tuần giảm thứ 6 trong 8 tuần, cà phê, ngũ cốc tăng.
Dầu tăng tuần thứ 6 liên tiếp
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng và ghi nhận tuần thứ 6 tăng liên tiếp sau khi Saudi Arabia và Nga, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai và thứ ba thế giới, cam kết tiếp tục cắt giảm sản lượng đến hết tháng 9.
Chốt phiên 4/8, dầu thô Brent tăng 1,1 USD hay 1,3% lên 86,24 USD/thùng. Dầu WTI tăng 1,27 USD hay 1,6% lên 82,82 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 trong phiên này và có số tuần tăng dài nhất từ đầu năm tới nay.
Saudi Arabia tình nguyện cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9. Nga cũng quyết định giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày vào tháng tới.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng UBS cho biết “với sản lượng tiếp tục cắt giảm, chúng tôi dự đoán thị trường thiếu hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9 sau khi ước tính thiếu khoảng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8”.
Về mặt nhu cầu, tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu có thể tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, theo phó Thủ tướng Nga Alexander Novak.
UBS dự kiến giá dầu Brent giao dịch trong phạm vi 85 tới 90 USD/thùng trong những tháng tới.
Áp lực lên giá dầu là số liệu phát hành ngày 4/8 cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng việc làm vừa phải trong tháng 7, nhưng tăng lương vững và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Ngoài ra mức độ suy giảm trong hoạt động kinh doanh khu vực đồng euro trong tháng 7 tồi tệ hơn so với suy nghĩ ban đầu và Ngân hàng Anh nâng lãi suất lên mức đỉnh 15 năm.
Vàng tăng
Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần sau khi số liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến đẩy USD và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm.
Trong tháng 7 số lượng việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tăng 187.000 việc, thấp hơn ước tính trong một thăm dò của Reuters tăng 200.000 việc.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.940,86 USD/ounce, tuy nhiên giảm 0,9% trong cả tuần. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,4% lên 1.976,1 USD/ounce.
Sau số liệu việc làm, USD giảm 0,5% khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Đồng giảm do lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc
Giá đồng thoái lui bởi lo lắng kéo dài về nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, nhưng đồng USD yếu hơn sau số liệu việc làm của Mỹ đã kiềm chế đà giảm.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,4% xuống 8.575 USD/tấn sau khi tăng 1,2% trong phiên trước.
Đồng Comex của Mỹ giảm 0,7% xuống 3,87 USD/lb.
Giá đồng đã bớt giảm sau số liệu việc làm của Mỹ, khiến chỉ số USD và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm.
Một báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ bổ sung thêm ít việc làm hơn so với dự kiến trong tháng 7, nhưng lương tăng vững và tỷ lệ thất nghiệp giảm trở lại xuống 3,5% cho thấy tình trạng thị trường lao động tiếp tục tốt.
Trung Quốc dự kiến triển khai nhiều hỗ trợ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng, cả hai đều là những lĩnh vực tiêu thụ kim loại công nghiệp chính, nhưng một loạt những thông báo trong những tuần gần đầy đã cung cấp ít thông tin chi tiết.
Quặng sắt diễn biến trái chiều
Quặng sắt Đại Liên giảm nhưng quặng sắt Singapore phục hồi do các thương nhân cân nhắc hy vọng hỗ trợ đáng kể hơn cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc với lo ngại sản lượng thép đang chậm lại.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 0,8% xuống 725,5 CNY (101,03 USD)/tấn.
Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tăng 1,6% lên 102,4 USD/tấn, kết thúc chuỗi giảm 3 ngày.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thảo luận với các nhà phát triển bất động sản địa phương để tìm cách hỗ trợ tài chính tốt hơn và thị trường đã chấp nhận với sự phục hồi mạnh.
Lũ lụt tại Hà Bắc từ lượng mưa kỷ lục cũng bổ sung lo lắng cho thị trường về sản xuất thép đang chậm lại.
Trong khi đó dự trữ của 5 mặt hàng thép chính do các thương nhân nắm giữ ở Trung Quốc tăng 2,1% từ 28/7 tới 3/8, tăng tuần thứ 6 liên tiếp, theo khảo sát của Mysteel.
Tại Thượng Hải, hợp đồng thép cây giảm 0,6%, thép cuộn cán nóng giảm 0,2%, thép dây tăng 1,2% và thép không gỉ tăng 0,8%.
Cao su Nhật Bản ghi nhận tuần giảm thứ 6 trong 8 tuần
Giá cao su Nhật Bản giảm theo xu hướng thị trường Thượng Hải và giảm tuần thứ 6 trong 8 tuần, do thị trường đợi thêm chi tiết về cam kết mới nhất của Bắc Kinh để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,4 JPY hay 0,2% xuống 197,5 JPY (1,39 USD)/kg. Hợp đồng này đã giảm 0,8% trong tuần và giảm 6,8% kể từ mức tăng trong tuần gần nhất vào ngày 9/6.
Tại Thượng Hải cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 80 CNY xuống 11.990 CNY (1.669,47 USD)/tấn.
Theo thăm dò của Reuters kinh tế Nhật Bản có thể tăng 3,1% trong quý 2, đánh dấu quý thứ 3 tăng liên tiếp, điều này hạn chế đà giảm của cao su.
Đường thô xuống thấp nhất 2,5 tuần
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,33 US cent hay 1,4% xuống 23,69 US cent/lb, trước đó đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7 tại 23,57 US cent/lb. Hợp đồng này đã giảm 1% trong tuần này sau khi giảm 4,4% trong tuần trước đó.
Các đại lý lưu ý tin tức hạn chế về nguồn cung, đồng thời đường đang củng cố quanh mức 24 US cent và giá đường trắng khá cao sẽ khuyến khích các nhà máy tinh luyện mua thêm đường thô để chế biến.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết chỉ số giá đường giảm gần 4% trong tháng 7, đánh dấu tháng thứ hai giảm liên tiếp do triển vọng nguồn cung thuận lợi tại Brazil và Ấn Độ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 12,8 USD hay 1,8% xuống 686,2 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 3,4 US cent hay 2,1% xuống 1,6135 USD/lb, nhưng tăng 2,18% trong tuần này
Công ty nghiên cứu và số liệu BMI, một đơn vị của Fitch Solutions cho biết họ tiếp tục dự đoán cà phê arabica giao dịch ở mức trung bình 1,8 USD/bl trong năm nay, nhưng tăng dự báo giá trung bình năm 2024 lên 1,7 USD/lb từ 1,6 USD/lb. Việc điều chỉnh này phản ánh dự đoán sản lượng giảm, đặc biệt từ nước sản xuất hàng đầu Brazil.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 33 USD hay 1,2% xuống 2.612 USD/tấn.
Ngô, đậu tương, lúa mì tăng
Ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng sau 8 phiên giảm liên tiếp, sau khi một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine gần một cảng ngũ cốc của Nga làm dấy lên lo ngại về nguồn cung ngũ cốc ở Biển Đen.
Ngô CBOT giao tháng 9 đóng cửa tăng 3-1/2 US cent lên 4,84-1/4 USD/bushel. Hợp đồng được giao dịch nhiều nhất giao tháng 12 tăng 3-3/4 US cent lên 4,97-1/4 USD/bushel, tính chung cả tuần hợp đồng này giảm 6,18%.
Đậu tương tăng bởi thị trường lúa mì và dầu thô mạnh, lo sợ về gián đoạn nguồn cung sau vụ tấn công của Ukraine.
Hợp đồng đậu tương giao tháng 11 tăng 8 US cent lên 13,33-1/4 USD/bushel.
Lúa mì cũng tăng kết thúc 7 phiên giảm. Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 9 đóng cửa tăng 6 US cent lên 6,33 USD/bushel.