Thị trường ngày 4/8: Giá dầu tăng hơn 2%, gạo tiếp tục tăng mạnh, vàng thấp nhất 3 tuần.

 Kết thúc phiên giao dịch 3/8 Saudi Arabia và Nga tiếp tục hạn chế nguồn cung khiến giá dầu tăng hơn 2% trong khi vàng xuống thấp nhất 3 tuần, thiếc tăng vọt do lệnh cấm khai thác của Myanmar, gạo lên mức cao mới, cao su và quặng sắt giảm.

Dầu tăng hơn 2% do Saudi Arabia và Nga tiếp tục hạn chế nguồn cung

Dầu tăng khoảng 2% do Saudi Arabia và Nga tiếp tục giữ nguồn cung hạn chế trong tháng 9 và có thể lâu hơn.

Chốt phiên 3/8, dầu thô Brent tăng 1,94 USD hay 2,3% lên 85,14 USD/thùng, dầu WTI tăng 2,06 USD hay 2,6% lên 81,55 USD/thùng.

Saudi Arabia cho biết họ sẽ tiếp tục tình nguyện cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 9, ngoài ra có thể tiếp tục kéo dài thêm hoặc cắt giảm sâu thêm.

Điều đó sẽ giữ nguyên việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của vương quốc này tháng thứ 3 liên tiếp sau khi họ tuyên bố cắt giảm tự nguyện trong tháng 7 và tiếp tục cắt giảm trong tháng 8.

Sản lượng của Saudi Arabia dự kiến khoảng 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9.

Trong khi đó tại Nga, phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết nước này sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Nhưng thông báo cắt giảm này tiếp sau động thái trong tháng 6 của tổ chức OPEC+ để hạn chế nguồn cung dầu mỏ trong năm 2024. Các Bộ trưởng của OPEC+ sẽ nhóm họp trong ngày 4/8 để đánh giá thị trường này.

Vàng thấp nhất 3 tuần

Giá vàng gần mức thấp nhất trong hơn 3 tuần bởi USD mạnh và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, trong khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước số liệu việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 7.

Vàng giao ngay ổn định tại 1.933,8 USD/ounce sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/7. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.968,8 USD/ounce.

USD tăng lên mức cao nhất 4 tuần, khiến vàng đắt hơn cho người giữ các ngoại tệ khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Thiếc tăng vọt do lệnh cấm khai thác của Myanmar

Giá thiếc tăng sau một lệnh cấm khai thác tại một phần của nhà khai thác thiếc lớn thứ ba thế giới, Myanmar và các kim loại công nghiệp khác cũng tăng do dữ liệu việc làm của Mỹ.

Thiếc giao sau 3 tháng tăng khoảng 3,8% trên sàn giao dịch LME trong thời gian giao dịch của Châu Á và đã tăng 2,5% lên 28.100 USD/tấn khi đóng cửa.

Trong tháng 4, lực lượng dân quân Wa thuộc dân tộc tiểu số của Myanmar đã tuyên bố lệnh cấm khai thác từ ngày 1/8 tại các khu vực họ kiểm soát và Hiệp hội Thiếc Quốc tế (ITA) đã hẳng định vào ngày 2/8 rằng lệnh cấm đó đã có hiệu lực.

Thiếc là mặt hàng có diễn biến tốt nhất trên sàn giao dịch kim loại LME từ đầu năm tới nay tăng 12%, khó có thể mạnh hơn nữa. Nhu cầu thiếc rất yếu và bất chấp lệnh cấm này tại Myanmar, nguồn cung từ Nam Mỹ và Indonesia là mạnh trong quý 2.

Quặng sắt giảm mạnh

Quặng sắt lao dốc do những lo ngại mới về việc hạn chế sản xuất thép của Trung Quốc và triển vọng phục hồi đối với lĩnh vực bất động sản đang khó khăn, với tâm lý tiếp tục suy giảm bởi lũ lụt tại tỉnh Hà Bắc, nơi sản xuất thép hàng đầu.

Giá quặng sát giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 3% xuống 810,5 CNY (112,7 USD)/tấn, trước đó giá đã xuống 808,5 CNY, thấp nhất kể từ ngày 12/7.

Tại Singapore hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 giảm 4% xuống 99,7 USD/tấn sau khi xuống 99,4 USD, thấp nhất kể từ ngày 29/6. Giá các thành phần sản xuất thép khác cũng giảm.

Lũ lụt tại Hà Bắc do lượng mưa kỷ lục làm tăng thêm lo lắng trên thị trường về sản xuất thép của khu vực này. Than luyện cốc và than cốc giảm tương ứng 5% và 6,2%.

Các nhà máy thép tại tỉnh Vân Nam được yêu cầu chuẩn bị cắt giảm sản xuất để đáp ứng yêu cầu của chính phủ về việc giới hạn sản lượng năm 2023 ở mức năm ngoái.

Tại Thượng Hải thép cây giảm 2,8%, thép cuộn cán nóng giảm 1,8%, thép dây giảm 2,3% và thép không gỉ giảm 0,8%.

Cao su Nhật Bản tiếp tục giảm

Cao su Nhật Bản giảm theo xu hướng thị trường Thượng Hải, do các nhà đầu tư tìm kiếm các biện pháp kích thích cụ thể và đáng kể hơn từ Trung Quốc, mặc dù đồng JPY yếu hơn đã hạn chế đà giảm.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,1 JPY hay 0,1% xuống 197,9 JPY (1,38 USD)/kg.

Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 giảm 195 CNY xuống 11.975 CNY (1.665,23 USD)/tấn, ghi nhận ngày thứ 3 giảm giá liên tiếp.

Trung Quốc đã tung ra một loạt các biện pháp chính sách trong những tuần gần đây để hỗ trợ nền kinh tế khi quá trình phục hồi sau đại dịch của nước này đang chững lại.

Đường diễn biến trái chiều

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,18 US cent hay 0,7% xuống 24,02 US cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường đường vẫn đang hấp thụ thông tin chính phủ Mỹ bị Fitch hạ bậc tín nhiệm.

Về nguồn cung, tình trạng thời tiết đang cải thiện tại Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và thậm chí cả Châu Âu hiện nay, mặc dù điều đó có thể luôn thay đổi nhanh chóng. Đồng thời nhu cầu có vẻ vững.

Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 1,8 USD hay 0,3% lên 699 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 2,2 US cent hay 1,3% xuống 1,6475 USD/lb.

Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 29 USD hay 1,1% xuống 2.645 USD/tấn.

Giá cà phê tăng tại Việt Nam so với một tuần trước, sau khi giá toàn cầu tăng bởi ước tính xuất khẩu yếu tại nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới này và nguồn cung thắt chặt từ Brazil.

Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 66.100 – 67.900 đồng (2,78 – 2,86 USD)/kg, nới rộng từ mức 66.100 – 67.100 đồng một tuần trước.

Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính giảm 6% trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,087 triệu tấn tương đương 18,2 triệu bao (60 kg/bao).

Trong khi đó xuất khẩu cà phê robusta Sumatra của Indonesia ở mức 14.858,14 tấn trong tháng 6, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 9,1% so với tháng trước đó.

Cà phê Sumatran được chào bán ở mức cộng 420 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE London trong tuần này, giảm từ mức cộng 500 USD một tuần trước.

Giá gạo lên mức cao mới do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu

Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh từ các trung tâm Châu Á không có dấu hiệu dừng lại trong tuần này, do lo ngại về nguồn cung mặt hàng chủ lực này sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ gần đây.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất 15 năm 627 – 630 USD/tấn từ 545 USD/tấn một tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết giá chào bán rất cao, vì thế không có doanh số nào được bán ra, đồng thời cho biết thêm rằng nguồn cung mới có thể được tung ra thị trường vào cuối tháng này.

Một thương nhân khác cho biết Thái Lan có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn nhưng sẽ phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm được chào bán ở mức kỷ lục 450 – 455 USD/tấn do nhu cầu chuyển sang loại này sau lệnh cấm xuất khẩu.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được chào bán ở mức cao nhất 15 năm 590 – 600 USD/tấn, tăng từ 550 – 575 USD/tấn một tuần trước.

Giá gạo tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ và một số nước khác hạn chế xuất khẩu.

Giá lúa trong nước cũng tăng mạnh trong hai tuần qua đạt 6.800 – 7.200 đồng (0,29 – 0,30 USD)/kg do nhu cầu mạnh từ các nhà xuất khẩu và chế biến.

Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay ước tăng lên 7,8 triệu tấn từ 7,1 triệu tấn ghi nhận trong năm ngoái.

Đậu tương tăng do lạc quan về xuất khẩu, lúa mì, ngô giảm

Đậu tương Chicago tăng được thúc đẩy bởi doanh số xuất khẩu mặc dù dự báo thời tiết mưa, mát hơn đã hạn chế đà tăng.

Lúa mì giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do thị trường đánh giá triển vọng nguồn cung toàn cầu được đánh dấu bởi xuất khẩu của Nga mạnh và các lô hàng bị hạn chế bởi chiến tranh từ Ukraine.

Ngô cũng chạm mức thấp nhất 3 tuần áp lực bởi thời tiết thuận lợi.

Hợp đồng đậu tương CBOT đóng cửa tăng 4 US cent lên 13,25-1/4 USD/bushel.

Lúa mì CBOT giảm 13 US cent xuống 6,27 USD/bushel, trước đó đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 13/7 tại 6,26-1/4 USD.

Ngô CBOT giảm 7 US cent xuống 4,93-1/2 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 4/8

Theo Minh Quân – Tờ MarketTimes

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn