Thị trường gạo thế giới bị cuốn vào “cơn bão hoàn hảo”

Giá gạo toàn cầu đã tăng nhanh từ cuối tháng 7, vừa chững lại chưa được bao lâu thì lại có nguy cơ tiếp tục tăng hơn nữa.

“Cơn bão” trên thị trường gạo thế giới bắt đầu từ Ấn Độ. Hôm 20/7/2023, nước này đột ngột thông báo dừng xuất khẩu gạo non-basmati (gạo tẻ thường), loại gạo mà mỗi năm nước này thường xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn (chiếm gần một nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ và chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu gạo của toàn thế giới).

Đến 28/7/2023, Ấn Độ tiếp tục ngừng xuất khẩu cám gạo trích ly (Deoiled Rice Bran Extraction- DORB) đến ngày 30/11/2023, để đảm bảo ổn định giá thức ăn chăn nuôi trong nước. Ngày 25/8, Ấn Độ tiếp tục thông báo áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ đến ngày 16/10/2023. Tuy nhiên, đối với loại gạo này, Ấn Độ cho biết sẽ thực hiện biện pháp cứu trợ cho các trường hợp cụ thể. Các lô gạo đồ đang nằm tại cảng hải quan không có phê duyệt "lệnh xuất khẩu" (LEO) và được hỗ trợ bởi "thư tín dụng" (LC) hợp lệ nhưng được phát hành trước ngày 25 tháng 8 năm 2023 sẽ được miễn thuế xuất khẩu này. Như vậy, Ấn Độ hiện đã áp đặt các hạn chế đối với tất cả các loại gạo non-basmati.

Sự việc chưa dừng lại ở đó. Cũng hôm 25/8, Ấn Độ cho biết có thể đưa ra giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu ở mức 1.200 USD/tấn để đảm bảo rằng gạo non-basmati không được xuất khẩu dưới dạng gạo basmati. Hàng năm nước này xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn gạo basmati.

Xu hướng hạn chế xuất khẩu gạo bắt đầu lây lan khi ngày 25/8 Liên đoàn gạo Myanmar thông báo nước này có kế hoạch tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo trong nước đang tăng cao. Hiện Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với khối lượng xuất khẩu hơn 2 triệu tấn mỗi năm, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trước đó,Nga cũng gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo từ ngày 1/7/2023 tới ngày 31/12/2023 để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa. Nga chủ yếu trồng gạo Japonica. Sản lượng gạo của Nga năm 2022 đạt 846.000 tấn, giảm 21% so với năm trước.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ngày 28/7 cũng ban bố lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.

Nhiều nước đồng loạt hạn chế xuất khẩu gạo đúng vào thời điểm nguồn cung lúa gạo ở nhiều nước khác đang hạn chế, bao gồm cả Thái Lan và Việt Nam.

Giá gạo tăng vọt trên toàn cầu

Giá gạo xuất khẩu tại châu Á tăng mạnh từ hôm 20/7. Tại Ấn Độ, giá gạo đã tăng khoảng 7%, với gạo đồ 5% tấm giá cuối tháng 7/2023 là 421- 428 USD/tấn, tăng lên kỷ lục 460- 467 USD/tấn cuối tháng 8/2023. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 20%, từ 545 USD/tấn lên 650-655 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 15 năm; gạo Việt Nam thậm chí còn tăng mạnh hơn, tăng khoảng 26% từ 515-525 USD/tấn lên 650-660 USD/tấn, đắt nhất trong top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giá gạo tại Campuchia tăng khoảng 30-40% trong khoảng thời gian đó, trong khi tại Philippines đã tăng khoảng 1/5, từ 14 USD/bao 25 kg lên 18 USD.

Ngay cả trước khi có những hạn chế của Ấn Độ, nhiều nước đã ồ ạt mua gạo để đề phòng tình trạng khan hiếm sau này khi El Niño xảy ra, tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá cả tăng vọt.

Tác động từ việc giá gạo tăng sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới. Tiêu thụ gạo ở Châu Phi đã tăng trưởng đều đặn và hầu hết các nước đều đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia có dân số ngày càng tăng như Senegal đang cố gắng tự trồng thêm lúa thì nhiều nước khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực.

Giá gạo nhập khẩu ở Sénégal– 70% đến từ Ấn Độ – đã trở nên cực kỳ đắt đỏ. Sénégal cho biết sẽ chuyển sang các đối tác thương mại khác như Thái Lan hoặc Campuchia để nhập khẩu, mặc dù quốc gia Tây Phi này “không còn xa khả năng tự cung tự cấp” về gạo, với hơn một nửa nhu cầu được sản xuất tại địa phương.

Chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do giá ở các nước xuất khẩu chính tăng vọt bởi nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.

Mối đe dọa El Niño

Hiện tượng thời tiết El Niño là sự ấm lên tự nhiên, tạm thời và không thường xuyên của một phần Thái Bình Dương, làm thay đổi các kiểu thời tiết toàn cầu và biến đổi khí hậu đang khiến hiện tượng trở nên mạnh hơn. Các nhà khoa học lo ngại những hiện tượng thời tiết như El Niño sẽ ngày càng mở rộng đến mức siêu lớn. Trong quá khứ, những hiện tượng này thường dẫn đến thời tiết khắc nghiệt từ hạn hán đến lũ lụt.

Các nước châu Á, nơi trồng và tiêu thụ 90% lúa gạo trên thế giới, đang gặp khó khăn về sản xuất gạo.

Chuyên gia chính sách lương thực Ấn Độ Devinder Sharma cho biết, các hạn chế về gạo của Ấn Độ được thúc đẩy bởi thời tiết thất thường: Gió mùa không đều cùng với El Niño đang xuất hiện có nghĩa là lệnh cấm một phần là cần thiết để ngăn giá lương thực tăng. Ashok Gulati thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ cho biết, năm nay, các hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến gần một nửa lượng gạo xuất khẩu thông thường của nước này. Ông nói thêm, những hạn chế lặp đi lặp lại khiến Ấn Độ trở thành nhà xuất khẩu không đáng tin cậy.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, đã yêu cầu nông dân nước mình giảm số vụ trồng lúa xuống 1 vụ/năm để tiết kiệm nước, trong bối cảnh lượng mưa tích lũy năm nay ít hơn 40% so với bình thường, khiến nguy cơ thiếu nước tăng cao, thậm chí nguy cơ hạn hán có thể xảy ra vào năm tới do El Niño. Việc Thái Lan khuyến khích giảm số vụ trồng lúa khiến thị trường dự đoán xuất khẩu gạo của nước này năm 2023 sẽ giảm khoảng 12% so với năm trước.

Philippines đang quản lý nước một cách cẩn thận với dự đoán sẽ có ít mưa hơn trong bối cảnh El Niño khi cơn bão “Egay” (tên quốc tế: Doksuri) tàn phá khu vực sản xuất lúa gạo phía bắc, gây thiệt hại 32 triệu USD cho cây lúa—ước tính khoảng 22% tổng sản lượng hàng năm của nước này. Quốc đảo này là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai sau Trung Quốc và Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo đủ nguồn dự trữ.

Với những vấn đề hiện nay, giá gạo thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng ít nhất thêm một tháng nữa, trước khi bước vào vụ thu hoạch mới – khoảng tháng 10.

(Tham khảo: Businessmirror, Bloomberg)

Theo Vân Chi – Tờ MarketTimes

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn