Tờ Fortune nhận định những nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc khá lớn vào giao thương, đầu tư cùng Trung Quốc.
Theo tờ Fortune, Trung Quốc trong
nhiều năm đã trở thành công xưởng thế giới cũng như đóng góp rất lớn cho đà
tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thế nhưng với những bất ổn của bong bóng thị trường bất
động sản cùng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao (21,3% trong giới trẻ tính đến
tháng 7/2023), nền kinh tế này đang đối mặt với rủi ro giảm phát.
Tồi tệ hơn, Fortune nhận định thị trường này thậm chí
có thể lây lan nguy cơ giảm phát cùng đà giảm tốc tăng trưởng của mình sang cho
những quốc gia khác.
Cụ thể, báo cáo của chuyên gia kinh tế Brendan McKenna thuộc Wells Fargo cho thấy khả năng lây lan giảm phát từ nền kinh tế Trung Quốc là rất cao.
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm
0,3% trong tháng 7/2023 so với cùng kỳ năm trước không chỉ gây lo ngại về đà hồi
phục kinh tế toàn cầu mà còn là vấn đề lây lan giảm phát.
“Nếu Trung Quốc thực sự rơi vào khủng hoảng và giảm
phát thì tình hình này thậm chí có thể lây lan sang cả Mỹ. Chúng ta hoàn toàn
có thể rơi vào nguy cơ giảm phát và đây là rủi ro còn lớn hơn câu chuyện chống
lạm phát hiện nay”, chuyên gia McKenna nói với Fortune.
Giảm phát (Deflation) là tình trạng giảm giá của hàng
hóa và dịch vụ diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian dài. Trong thời kỳ
giảm phát, giá cả giảm nhưng sức mua của đồng tiền tăng lên, nói cách khác,
cùng một đơn vị tiền tệ có thể mua được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn.
Giảm phát thường xảy ra khi nền kinh tế đang trải qua
một cuộc suy thoái hoặc khi nguồn cung vượt quá nhu cầu.
Việc giá giảm thời gian dài sẽ khiến người mua có tâm lý chờ đợi giá giảm tiếp mới mua và tạo nên sức cầu yếu. Doanh nghiệp không bán được hàng sẽ phải cắt giảm chi phí, sa thải lao động và khiến sức mua của người dân càng đi xuống, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Nguy cơ mới
Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu hàng hóa
lớn trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tầm ảnh
hưởng của hàng hóa Trung Quốc lan rộng từ các nguyên vậy liệu như sắt thép cho
đến những mảng công nghệ cao hơn như xe điện, smartphone.
Bởi vậy khi giảm phát xảy ra khiến doanh số nội địa giảm
vì cầu yếu, các nhà máy Trung Quốc thường sẽ phải giảm giá sản phẩm, qua đó
càng khiến các mặt hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn ở nước ngoài.
Chính điều này sẽ khiến làn sóng hạ giá thành lan ra
các nền kinh tế khác khi những nhà máy ở nước ngoài cũng buộc phải giảm giá
theo để cạnh tranh, qua đó làm lây lan rủi ro giảm phát.
Theo chuyên gia McKenna, Trung Quốc hiện đang đóng góp
đến 35% tăng trưởng GDP toàn cầu và việc giảm phát diễn ra ở nền kinh tế này sẽ
tạo nên một thời kỳ mới khi tăng trưởng giảm tốc còn giá cả thì liên tục đi xuống.
Báo cáo của McKenna cho thấy kể từ năm 1980 đến nay,
kinh tế toàn cầu tăng trưởng bình quân 3,5% nhưng con số này sẽ giảm xuống gần
2,5% trong 10 năm tới.
“Tác động của sự giảm tốc tăng trưởng ở Trung Quốc đến kinh tế toàn cầu sẽ vô cùng nhanh chóng”, chuyên gia McKenna cảnh báo.
Giảm tốc
Đầu năm 2023, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng
Trung Quốc sẽ hồi phục hậu đại dịch Covid-18, qua đó thúc đẩy lại nền kinh tế
toàn cầu.
Tuy nhiên đà hồi phục này gặp nhiều khó khăn và thậm
chí một số chuyên gia còn cảnh báo về “thập kỷ mất mát” tương tự như những gì nền
kinh tế Nhật Bản từng gặp phải vào thập niên 1990.
Một dân số lão hóa, vay nợ tăng cao cùng bong bóng thị
trường bất động sản đang làm ảnh hưởng đến sức chi tiêu và đầu tư trên thị trường
Trung Quốc. Người dân và thậm chí là doanh nghiệp hiện nay có xu hướng tiết kiệm,
an toàn, thanh toán hết nợ hơn là lựa chọn đầu tư.
Chuyên gia kinh tế trưởng Richard Koo của Nomura’s
Research Institute nhận định GDP quý II/2023 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng
0,8% so với quý trước đó, kém xa so với đà tăng 2,2% của quý I.
Đồng quan điểm, chuyên gia Alfredo Montufar Helu của
Trung tâm kinh tế Trung Quốc (CBCCEB) nói với Fortune rằng người tiêu dùng lẫn
doanh nghiệp nơi đây đang ngày càng kén chọn và nhạy cảm về giá hơn khi chi
tiêu, qua đó cho thấy sự suy giảm nhu cầu trên thị trường.
Nền kinh tế khó khăn cũng như việc chấn chỉnh của
chính quyền Bắc Kinh lên nhiều ngành nghề đã khiến giới trẻ nước này bị thu hẹp
cơ hội làm giàu, qua đó dẫn đến tâm lý chán nản, “nằm thẳng”, từ bổ cố gắng.
Bên cạnh vấn đề tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ
và cầu yếu, Trung Quốc còn phải đối mặt với khoản nợ công lên đến 13 nghìn tỷ
USD trong năm 2022 mà phần lớn là do bong bóng thị trường bất động sản phình to
sau nhiều năm xây dựng thừa.
Tính trên toàn quốc, Trung Quốc hiện có 4 triệu căn hộ không được sử dụng và đẩy các tập đoàn bất động sản vào cảnh khó khăn. Những cái tên như Evergrande hay Country Garden đều đang được chú ý tới về khả năng vỡ nợ gây ảnh hưởng dây chuyền lên toàn thị trường.
Tờ Fortune cho hay Trung Quốc đã có những năm tháng
bùng nổ nhờ đầu tư mạnh cho bất động sản, xuất khẩu...nhưng lại có quá ít hỗ trợ
cho thị trường tiêu dùng nội địa.
“Thật không may là Trung Quốc không chú ý đủ nhiều đến
mảng nhu cầu thị trường nội địa trong nền kinh tế. Nếu bạn muốn có một nền kinh
tế ổn định thì phải xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội cực kỳ tốt, điều
mà Trung Quốc chưa có. Bạn sẽ phải xây dựng nền y tế, giáo dục tốt trên toàn quốc,
điều mà Trung Quốc mới chỉ làm được một phần”, chuyên gia Helu của CBCCEB nói với
Fortune.
Lây lan
Trong khi một số chuyên gia cho rằng rủi ro giảm phát
của Trung Quốc có thể tác động tích cực lên công cuộc chống lạm phát tại Mỹ,
qua đó khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dừng tăng lãi suất liên tục 17 tháng
qua.
Thế nhưng tờ Fortune nhận định rủi ro giảm phát sẽ có ảnh
hưởng lâu dài mà bài học rõ nhất là Nhật Bản. Giá cả giảm sẽ khiến sức mua yếu
đi, hạ lợi nhuận của doanh nghiệp khiến họ sa thải nhân viên, cắt giảm đầu tư
và càng làm sức cầu yếu đi theo vòng lặp luẩn quẩn.
Đồng quan điểm, chuyên gia McKenna nhận định tăng trưởng
GDP của Mỹ có thể giảm xuống bình quân 1,5%/năm nếu Trung Quốc rơi vào giảm
phát.
Tuy nhiên theo ông McKenna, những nền kinh tế mới nổi ở
Đông Nam Á mới là nạn nhân nặng nhất khi phụ thuộc khá lớn vào giao thương, đầu
tư cùng Trung Quốc.
Tờ Fortune cho hay việc đưa ra những dự báo chính xác
hơn về kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi chính quyền Bắc Kinh dừng
công bố hàng loạt số liệu, từ tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ, một số chỉ số của
thị trường trái phiếu và thậm chí là các số liệu thương vụ bán đất dự án phát
triển.
(Tham khảo Fortune)
Theo Băng Băng – Tờ
MarketTimes