Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được kỳ vọng giúp thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỉ USD trong thời gian tới.
Ký
kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) - Ảnh: Bộ Công Thương
Ngày 25-7, tại Văn phòng Thủ tướng Israel, với sự chứng
kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ
trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công
nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA),
sau 7 năm với 12 phiên đàm phán.
Hướng
vào thị trường xuất khẩu
Hiệp định gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các
chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc
xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm
dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ,
pháp lý - thể chế.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương
trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại
và tỉ lệ tự do hóa tổng thể. Theo đó, đến cuối lộ trình, cam kết của Israel là
giảm tới 92,7% số dòng thuế, trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế.
Hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự
tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỉ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Hiệp định này không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng
hóa, mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước
về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA cũng sẽ tạo
tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang
Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và
Nam Âu.
Mở
ra cơ hội đầu tư công nghệ, chuyển đổi số
Ở chiều ngược lại, bên cạnh thị trường trên 100 triệu
dân của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường
các nước khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong
16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Về khía cạnh xã hội, trong tương lai gần, trên cơ sở
thế mạnh đặc biệt của Israel về công nghệ và tài chính khi kết hợp với thế mạnh
của Việt Nam về môi trường đầu tư, quy mô thị trường và mạng lưới 16 FTA mà nước ta đã tham gia, VIFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp
tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Israel vào Việt Nam, góp phần tạo công
ăn việc làm trong một bộ phận người lao động ở các lĩnh vực mà Israel quan tâm
và đầu tư.
Tổng
thống Israel Isaac Herzog: Đánh giá cao vai trò, vị thế Việt Nam
Lễ ký kết được diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm
chính thức Nhà nước Israel, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập
quan hệ ngoại giao. Cùng ngày, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã hội kiến
Tổng thống Nhà nước Israel Isaac Herzog.
Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc
củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Israel và
đề nghị hai nước tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao.
Theo đó, Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận
lợi cho doanh nghiệp Israel tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các
lĩnh vực như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp,
lực lượng lao động...
Tổng thống Isaac Herzog đánh giá cao vai trò, vị thế
cũng như những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Việt Nam thời
gian qua. Hoan nghênh chuyến thăm của Phó thủ tướng, Tổng thống nhấn mạnh chuyến
thăm sẽ mở ra cơ hội tốt để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai
nước.
Hai bên đã trao đổi và thống nhất một số biện pháp cụ
thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương như tích cực triển khai
Hiệp định thương mại tự do, nâng cao kim ngạch thương mại, thúc đẩy hợp tác đầu
tư, du lịch, sớm mở đường bay thẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị
thực...
Theo Duy Linh và Ngọc An – Tờ báo Tuoitre.vn