Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang cân nhắc siết
bán ra để hạ giá trong nước, dù việc này có thể kéo giá toàn cầu lên cao.
Bloomberg trích
nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Ấn Độ đang thảo luận kế hoạch cấm xuất
khẩu tất cả loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á).
Nguyên nhân là giá gạo trong nước tăng và họ muốn kiềm chế lạm phát. Giá gạo
bán lẻ tại Delhi đã tăng 15% năm nay, trong khi giá trung bình cả nước tăng 8%,
theo số liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ.
Nếu được thực hiện, lệnh cấm này sẽ tác động đến 80%
gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Động thái này có thể hạ nhiệt giá trong nước, nhưng sẽ
kéo giá gạo toàn cầu lên cao. Gạo là lương thực thiết yếu với nửa dân số thế
giới. Trong đó, châu Á tiêu thụ 90% nguồn cung toàn cầu. Giá gạo tại khu vực
này đã lên cao nhất 2 năm do lo ngại El Nino xuất hiện ảnh hưởng đến mùa màng.
Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Ấn Độ tăng
tốc, chủ yếu do giá lương thực cao. Lạm phát của Ấn Độ được dự báo tiếp tục
tăng khi giá cà chua - nguyên liệu thiết yếu tại nước này - đã tăng 341% năm
nay, theo Số liệu từ Bộ phụ trách Các vấn đề Tiêu dùng.
Ấn Độ hiện đóng
góp khoảng 40% hoạt động kinh doanh gạo trên toàn cầu. Năm ngoái, họ cấm xuất
khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với gạo trắng, lứt, do xung đột Nga - Ukraine kéo
giá lương thực thiết yếu như ngô và lúa mỳ lên cao. Họ cũng hạn chế xuất khẩu
đường và lúa mỳ.
Ấn Độ cung cấp
gạo cho hơn 100 quốc gia. Trung Quốc, Senegal và Bờ Biển Ngà là các khách hàng
lớn nhất của họ. Sau tin tức trên, cổ phiếu các hãng xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn
Độ đồng loạt đi xuống trong phiên hôm nay. Mức giảm hiện tại vào khoảng 2-4%.
Các nước nhập
khẩu như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đang tăng tốc tích trữ gạo. Tổ
chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết El Nino đã
phát triển tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, gây ra
khô hạn tại nhiều khu vực trồng lúa. Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ càng khiến nỗi lo
nguồn cung thêm trầm trọng.
Hà Thu – Vnexpress