Theo số liệu từ Bộ Công Thương, đây là quốc gia Đông Nam Á đang xếp trên Trung Quốc về lượng điện xuất khẩu sang Việt Nam.
Lào
là một trong những quốc gia giàu có nhất Đông Nam Á về tài nguyên thủy điện. Ảnh
minh họa
Đứng
hàng đầu ĐNÁ về tài nguyên thủy điện
Hiệp hội thủy điện quốc tế (IHA) cho hay, Lào -
quốc gia với 7,5 triệu dân - là một trong những quốc gia giàu có nhất Đông Nam
Á về tài nguyên thủy điện. Đây vốn được xem là một giải pháp cung ứng năng lượng
giá rẻ ở Lào và là nguồn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển
kinh tế.
Theo bản báo cáo "Hợp tác Việt Nam - Lào
trong lĩnh vực năng lượng" của Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số tháng
9/2022, xét về địa hình, địa thế, Lào có nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện.
Khoảng 97% diện tích lãnh thổ Lào là nông thôn và đồi
núi nằm trong vùng khu vực của sông Mekong trải dài từ bắc xuống nam. Nguồn thủy
văn dồi dào, có giá trị kinh tế quan trọng và đa dạng.
Tổng nguồn nước mặt hiện có hàng năm ở Lào là 272 km3,
tương đương với hơn 55.000 m3 trên đầu người (mức cao nhất ở Đông Nam Á).
Địa hình Lào theo cấu tạo địa chất hình thành hai chiều dốc: chiều Bắc - Nam và chiều Đông - Tây. Cả hai chiều dốc đều đổ về hướng lưu vực sông Mekong.
Một
phần Nhà máy thủy điện Xekaman 1 do Việt Nam đầu tư tại tỉnh Attapeu, phía Nam
Lào. Ảnh: Bộ Công Thương
Hệ thống thủy văn khá dày đặc phân bố rộng khắp trên
lãnh thổ Lào, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, không những tạo nên hệ thống
giao thông đường thủy thuận tiện mà còn là nguồn cung cấp nước dồi dào cho nhu
cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là thủy điện. Chính vì vậy,
Lào được coi là địa điểm lý tưởng để xây dựng các đập thủy điện.
IHA cho biết, trước khi chính phủ Lào mở cửa ngành điện
để đón đầu tư nước ngoài vào năm 1993, tại Lào chỉ có 4 trạm thủy điện hoạt động
với tổng công suất lắp đặt là 206 megawatt (MW). Tuy nhiên sau đó, nước này đã
có sự tăng trưởng nhanh chóng về công suất lắp đặt thủy điện.
Ngoài chính sách rộng mở, một lý do khác thúc đẩy thủy
điện Lào tăng trưởng là nhu cầu xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Các quốc
gia này cũng đã tham gia hỗ trợ phát triển một số dự án tại Lào.
Hiện tại, Lào đang đặt mục tiêu đạt sản lượng thủy điện
lên tới 61.845 triệu kWh mỗi năm, trong đó 85% sẽ bán cho nước ngoài.
Trong cơ cấu sản xuất điện để đáp ứng tiêu dùng trong
nước, thủy điện chiếm 91,49%, tiếp đến là điện mặt trời chiếm 5,34% và nhiệt điện
chiếm 3,17%.
Sản
lượng 1 năm đủ cho dân dùng 6 năm
Theo tờ Laotian Times, thống kê từ Bộ Năng lượng
và Mỏ của Lào ước tính mức tiêu thụ điện của Lào trong năm 2020 đạt 9.401 triệu
kWh, và dự kiến sẽ tăng 7,7% lên mức 13.621 triệu kWh vào năm 2025.
Trong khi đó, Lào hiện có 78 nhà máy thủy điện đang hoạt
động với sản lượng điện hàng năm lên tới 52. 211 triệu kWh. Trên lý thuyết, với
mức tiêu thụ điện ở Lào năm 2020 thì sản lượng này có thể đủ cho người dân Lào
dùng trong gần 6 năm.
Theo tờ Lao Post, hiện tại, 47% lượng điện tiêu thụ ở Lào được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và dự kiến con số này sẽ tăng lên 52% vào năm 2025.
Đập
Xayaburi cao 32,6m, kéo dài 820m qua sông Mekong. Ảnh: CK Power
Tập đoàn điện lực của Lào [Electricite Du Laos (EDL)]
ước tính xuất khẩu 3.575 triệu kWh trong năm 2020 và đang đặt mục tiêu xuất khẩu
6.017 triệu kWh vào năm 2025.
Tại phiên họp Quốc hội Lào tháng 12/2022, Thủ tướng
Sonexay Siphandone – khi đó là Phó Thủ tướng Lào phụ trách lĩnh vực kinh tế –
cho biết, nước này đã thu được 1.769 triệu USD nhờ xuất khẩu điện.
Ưu điểm của điện Lào là giá thành rẻ, tuy nhiên, vào
mùa mưa lũ, thủy điện Lào phải xả nước qua hệ thống tràn xuống hạ lưu làm lãng
phí khoảng 1.500 MW, trong khi vào mùa khô lại phải nhập khẩu điện từ Thái Lan
với mức giá đắt hơn (gần gấp đôi) từ Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT).
Hiện Lào đang hợp tác với các nước như Campuchia,
Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Singapore để xuất khẩu điện.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương tháng 5/2023, Việt Nam
đang nhập khẩu điện từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, trong khi nhập từ Trung Quốc
khoảng 4 triệu kWh/ngày.
Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện
từ Lào với sản lượng 3.000 MW và tăng lên 5.000 MW vào năm 2030.
Đối với Việt Nam, ngoài bổ trợ cho nhu cầu tiêu thụ điện
trong nước, việc nhập khẩu điện còn nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, đồng thời nằm
trong cam kết kết nối mạng lưới điện của các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Con
đập lớn nhất dài bằng 7 sân bóng đá
Theo Channel Asia, với công suất 1.285 MW, Xayaburi là
đập thủy điện lớn nhất tại Lào và là một trong những đập thủy điện lớn nhất
trên sông Mekong. Dự án này được thi công từ năm 2012, sau đó đưa vào vận hành
thương mại năm 2019.
Đập Xayaburi cao 32,6m, kéo dài 820m qua sông Mekong,
tương đương với chiều dài của hơn 7 sân bóng đá. Theo Andritz - tập đoàn công
nghệ tham gia hỗ trợ Lào trong quá trình phát triển thủy điện, Xayaburi có thể
đáp ứng nhu cầu điện cho khoảng 1 triệu hộ gia đình ở Lào cũng như ở Thái Lan.
Con đập này cho tới giờ vẫn gây ra tranh luận bởi ảnh
hưởng về dân sinh và hệ sinh thái. Việc xây dựng đập Xayaburi ước tính đã khiến
2.100 người phải di dời, ảnh hưởng tới kế sinh nhai của 200.000 người trong khu
vực, đồng thời khiến một số loài cá trên sông Mekong có nguy cơ tuyệt chủng.
Khoảng 3,2 tỷ USD vốn xây dựng đập Xayaburi đã được
Thái Lan đầu tư, tuy nhiên, sau quá trình tham vấn và tranh đấu của các nhà
khoa học, cũng như cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư từ Thái Lan đã bổ sung hơn 400
triệu USD vào dự án để cải tiến chu trình xả phù sa, làm thêm âu thuyền cho
giao thông thủy, mở rộng thêm lối đi cho cá, qua đó khắc phục các tác động tiêu
cực.
Theo Vy Lam – Tờ
MarketTimes