VTV.vn - Tiếp đà giảm lãi suất huy động, biểu lãi suất niêm yết mới nhất tại nhiều ngân hàng trong ngày đầu tháng 7 đã có sự điều chỉnh cách biệt mức lãi suất 8%/năm.
Cụ thể, Ngân
hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố giảm tiếp 0,3%/năm lãi suất huy
động các kỳ hạn từ 6 tháng xuống còn 6,7%/năm đối với khách hàng gửi tiền tiết
kiệm trực tuyến. Lãi suất các kỳ hạn từ 1-3 tháng dao động từ 4,55-4,75%/năm.
Tương tự tại Ngân
hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất huy động trên kênh trực tuyến
cũng giảm từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, lãi
suất gửi tiền trực tuyến tại SHB kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 7%/năm; kỳ hạn từ 7 đến
11 tháng lãi suất 7,1%/năm; kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng còn 7,2%/năm. Đối với tiền
gửi online kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động tại SHB dao động từ
4,6-4,75%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP
Nam Á (NamABank), khách hàng khi gửi
tiết kiệm trực tuyến sẽ nhận được lãi suất 7,3%/năm với kỳ hạn 6
tháng; 7,4-7,6%/năm với kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng; 7,7%/năm với kỳ hạn từ 12 đến
14 tháng... Các mức lãi suất này đã giảm so với trước đó từ 0,1-0,3%/năm.
Trước đó, Ngân
hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất huy động các
kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng
xuống còn 6,85%/năm; kỳ hạn 12-13 tháng còn 6,95%/năm; kỳ hạn 13-36 tháng còn
6,85%/năm.
Nếu như hồi cuối năm 2022, SCB liên tục đứng đầu vị
trí ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường, có thời điểm cận kề mức
10%/năm thì nay, sau nhiều đợt điều chỉnh, SCB hiện nằm trong nhóm ngân hàng
đang huy động lãi suất thấp nhất hệ thống.
Ngân
hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)
và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng vừa có bước giảm
lãi suất nhiều kỳ hạn trong tuần qua.
Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới
6 tháng tại HDBank giảm từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm; lãi suất kỳ hạn 6
tháng, 12 tháng và 13 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống mức 7,3%/năm.
Còn tại OceanBank, lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm
0,3-0,4%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất tại
ngân hàng này về còn 7,8%/năm. Trong khi đó, NCB chỉ giảm nhẹ 0,1%/năm lãi suất
tiền gửi các kỳ hạn 6-7 tháng xuống còn 7,3%/năm.
Tuy nhiên lại có một ngân hàng ngược dòng, tăng lãi suất
tới gần 2%/năm ở kỳ hạn dài. Theo đó, Ngân
hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng lãi suất kỳ hạn 24 tháng
lên dao động từ 7,9-8,1%/năm thay vì mức lãi suất 6,1-6,4%/năm trước đó.
Chỉ mới đầu tháng trước, loạt ngân hàng còn huy động
lãi suất trên 8%/năm thì nay, mức lãi suất này chỉ còn lác đác, áp dụng tại một
số ngân hàng và với kỳ hạn dài.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước,
tổng
tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 4/2023 đạt hơn 11,98 triệu tỷ đồng,
tăng thêm hơn 43 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 3. Trong đó, tiền gửi của dân
cư tiếp tục tăng trưởng, nhưng mức tăng đã chậm lại rõ rệt so với các tháng trước
đó.
Cụ thể, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng 52
nghìn tỷ đồng trong tháng 4 lên hơn 6,33 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng thấp nhất
trong 6 tháng gần nhất.
Đánh giá về các kênh đầu tư, giới chuyên gia của Công
ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho rằng tiền gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn
trong nửa sau của năm 2023.
Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng theo dự
báo của VNDirect có thể giảm về mức 6,5-6,8%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp
hơn nữa trong năm 2024. Do đó, dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một
phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. Và xu hướng này sẽ
càng rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Theo TTXVN – Tờ
báo VTV