Trong tháng 6, quỹ đã mua mới một loạt cổ phiếu ngân hàng CTG, TCB, MBB, VIB cùng nhiều mã “hot” như BMP, VNM, PNJ, SSI, VCI,…
Sau nhiều tháng gần như đứng ngoài thị trường, Ballad Fund - quỹ đầu tư thuộc SGI Capital đã bất ngờ giải ngân mạnh tay mua cổ phiếu trong tháng 6 vừa qua. Đến thời điểm 30/6, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của quỹ đầu tư này đã tăng vọt từ mức dưới 23% vào cuối tháng 5 lên xấp xỉ 90%, cao nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây.
Ngược lại, tiền mặt tại quỹ chỉ còn hơn 10 tỷ đồng vào
cuối tháng 6, giảm hơn 50 tỷ sau một tháng. Như vậy, có thể coi như Ballad Fund
đã gần như “full” cổ phiếu sau khoảng 4 tháng “ôm” tiền chờ đợi. Động thái này
diễn ra đúng vào giai đoạn thị trường chứng khoán liên tục tăng mạnh và leo lên
mức cao nhất trong vòng 9 tháng.
Với việc vùng tiền giải ngân, số mã trong danh mục của Ballad Fund cũng tăng vọt từ 7 lên 19 cổ phiếu. Trong tháng 6, quỹ mua mới một loạt cổ phiếu ngân hàng CTG, TCB, MBB, VIB cùng nhiều mã “hot” như BMP, VNM, PNJ, SSI, VCI,… Ballad Fund cũng tăng mạnh tỷ trọng của ACB, QTP đồng thời bán bớt một lượng nhỏ FPT, TLG.
Nhìn vào danh mục của Ballad Fund phần nào có thể thấy
sự thay đổi khẩu vị sang các cổ phiếu có tính thị trường cao hơn. Tuy nhiên, việc
bắt nhịp khá chậm đã khiến quỹ chưa tận dụng được tối đa nhịp hồi của thị trường.
Hiệu suất từ đầu năm chỉ đạt khoảng 6% trong khi VN-Index đã tăng gần 12%.
Ballad Fund được thành lập từ giữa tháng 11/2021 – thời
điểm thị trường chứng khoán Việt đang đang trong giai đoạn thăng hoa. Giai đoạn
cuối năm 2021 đến đầu 2022, quỹ thường xuyên trong tình trạng gần như “full” cổ
phiếu với tỷ trọng tiền có thời điểm chỉ còn khoảng 1% tài sản. Trong bối cảnh
thị trường thuận lợi, hiệu suất của quỹ cũng tương đối khả quan.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tề gang, Ballad Fund đã sớm phải đối mặt với sóng gió khi thị trường giảm mạnh từ đỉnh hồi đầu tháng 4/2022. Đến hiện tại, hiệu suất của quỹ đầu tư này đã âm khoảng 23% so với thời điểm mới thành lập.
Động thái “quay xe” giải ngân mạnh tay của Ballad Fund
khá đồng nhất với nhận định SGI Capital đưa ra vào đầu tháng 6. Theo quỹ đầu tư
này, lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm và trong điều kiện nền kinh tế có dòng
tiền “inflow” mạnh từ xuất khẩu, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện,
kéo hạ lợi tức trái phiếu xuống, và qua đó “rerate up” cho thị trường chứng
khoán.
Chênh lệch tín dụng và M2 phản ánh sự dồi dào của
thanh khoản hệ thống tài chính, có quan hệ chặt chẽ với lợi tức trái phiếu và
lãi suất. SGI Capital cho rằng thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ duy
trì ở mặt bằng mới và có thể tiếp tục cải thiện do tiền nhàn rỗi phân bổ vào thị
trường khi lãi suất tiền gửi đã hạ trung bình 2-3% và có thể hạ thêm do tín dụng
yếu.
Bên cạnh đó, nỗ lực của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới khi tăng trưởng kinh tế vẫn đang thấp
hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội. Điều này sẽ liên tục củng cố sự tự tin
dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán và do đó sẽ giúp thanh khoản dâng
theo.
Ngoài ra, dư nợ margin của các công ty chứng khoán bắt
đầu tăng nhanh hơn chỉ số dù chưa tới mức cảnh báo. Theo SGI Capital, tỷ lệ
margin có thể sẽ tăng khi dòng tiền mới tự tin về xu hướng lãi suất giảm. Ngược
lại, các dòng tiền bán ra rút khỏi thị trường sẽ đến từ nhà đầu tư nước ngoài,
nội bộ và phát hành mới.
Theo Hà Linh – Tờ
MarketTimes