Thị trường ngày 20/6: Giá dầu, vàng, sắt thép, lợn hơi… đồng loạt giảm


Kỳ vọng Trung Quốc tung ra các chương trình kích thích kinh tế mờ nhạt dần trong khi USD hồi phục đã gây áp lực giảm giá lên hàng loạt mặt hàng trong phiên đầu tuần.

Dầu giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 

Giá dầu giảm vào thứ Hai do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc lấn át tác động từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng.

Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 48 cent, tương đương 0,6%, xuống 76,13 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 49 cent, tương đương 0,7%, xuống 71,29 USD. Khối lượng giao dịch không nhiều do thị trường Mỹ nghỉ lễ trong ngày 19/6.

Một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của Trung Quốc sau khi dữ liệu tháng 5 vào tuần trước cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau COVID đang chững lại.

Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng lên mức cao thứ hai trong lịch sử, giúp thúc đẩy giá dầu tăng trong tuần vừa qua, và các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động tuần thứ bảy liên tiếp.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga trong tháng này đã đồng ý về một thỏa thuận sản lượng dầu mới và nhà sản xuất lớn nhất của nhóm, Saudi Arabia, cũng cam kết cắt giảm sản lượng sâu vào tháng Bảy.

Vàng giảm do USD hồi phục

Giá vàng giảm với lượng giao dịch ít do thị trường Mỹ nghỉ lễ và đồng USD hồi phục sau khi giảm ở phiên liền trước. Các nhà giao dịch đang chờ đợi bài điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell tại Đồi Capitol vào cuối tuần.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 1.952,00 USD/ounce. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 giảm 0,4% xuống còn 1.964,00 USD. 

Chỉ số Dollar index nhích lên từ mức thấp nhất trong một tháng vào thứ Sáu. Đồng đô la mạnh hơn khiến vàng thỏi trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. 

Sắt thép giảm    

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên và Singapore giảm vào thứ Hai sau khi tăng trong tuần trước, chịu áp lực bởi giá thép giảm do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) kết thúc phiên giảm 0,12% xuống 809,5 nhân dân tệ (113,08 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 2% vào tuần trước.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,05% xuống 113,45 USD/tấn, sau khi tăng hơn 4% trong tuần trước.

Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,74%, thép cuộn cán nóng giảm 0,75%, dây thép cuộn giảm 0,61% và thép không gỉ SHSScv1 giảm 2,1%.

Đồng giảm do nghi ngờ nhu cầu của Trung Quốc

Giá đồng chịu áp lực giảm vào thứ Hai do không có thông tin về việc Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới, kích thích kinh tế. Đồng USD mạnh lên cũng làm giảm nhu cầu đồng – kim loại tính bằng USD. 

Hợp đồng đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 8.543 USD/tấn. 

Tuy nhiên, các thương nhân cho biết kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn vào thứ Ba, lần đầu tiên giảm lãi suất trong vòng 10 tháng, sẽ giúp củng cố tâm lý trên thị trường kim loại công nghiệp.

Một yếu tố hỗ trợ cho giá đồng là dự trữ giảm trong các kho của Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giảm 76% xuống 61.090 tấn kể từ ngày 24/2.

Cao su giảm 

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản phục hồi vào thứ Hai, được củng cố bởi nhu cầu trì trệ kéo dài và các yếu tố cơ bản yếu, trong khi sự lạc quan trước đó từ các cam kết kích thích kinh tế ở Trung Quốc đã phai nhạt.

Hợp đồng cao su giao tháng 11 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 1,1 yên, tương đương 0,5%, xuống 210,2 yên (1,48 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 50 CNY xuống còn 12.085 CNY (1.688,34 USD)/tấn.

Thịt lợn giảm

Giá lợn tại Trung Quốc giảm 3,3% vào thứ Hai xuống 15.910 nhân dân tệ (2.222,72 USD)/tấn, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1, do các nhà đầu tư nhận thấy ít dấu hiệu hỗ trợ cho giá lợn hơi yếu.

Hợp đồng này đã giảm xuống dưới 16.000 nhân dân tệ/tấn lần đầu tiên vào đầu tháng này, với thời tiết mùa hè nóng bức dự kiến sẽ làm giảm tiêu thụ thịt - vốn đã yếu.

Giá lợn hơi trung bình dao động dưới 15 nhân dân tệ/kg kể từ cuối tháng 3, do nguồn cung dư thừa và nhu cầu yếu trong nền kinh tế Trung Quốc trì trệ.

Giá lợn con cũng giảm, với giá trung bình giảm khoảng 60 nhân dân tệ/con trong tháng trước xuống còn 508 nhân dân tệ, phản ánh việc nông dân không còn quan tâm nhiều tới việc vỗ béo lợn.

Cà phê robusta tăng do lo ngại về nguồn cung     

Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn ICE tăng vào thứ Hai, hướng trở lại mức cao kỷ lục của tuần trước, với đà tăng gần đây được thúc đẩy bởi hoạt động mua của các quỹ trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung.

Cà phê robusta tháng 9 kết thúc phiên tăng 1,3% lên 2.783 USD/tấn sau khi lập mức cao kỷ lục 2.797 USD vào thứ Sáu.

Các nhà đầu cơ cà phê Robusta đã tăng vị thế mua ròng thêm 1.517 lô lên 46.051 lô tính đến ngày 13 tháng 6, dữ liệu hôm thứ Sáu cho biết.

Dầu cọ tăng phiên thứ 5 liên tiếp 

Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng phiên thứ năm liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng dầu cọ và đậu tương toàn cầu.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 15 ringgit, tương đương 0,4%, lên 3.758 ringgit (817,91 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 9/5.

Các nhà giao dịch lo ngại năng suất cọ ở Malaysia có thể bị ảnh hưởng do thời tiết khô và nóng. Tuy nhiên, yếu tố Indonesia đã gây áp lực lên thị trường bằng cách bán olein cọ rẻ hơn khi sản lượng tăng lên và hiện đang tìm cách chiếm thêm thị phần.

Các dấu hiệu hạn hán ngày càng tồi tệ ở vùng Trung Tây Mỹ cũng làm gia tăng mối lo ngại đối với cây đậu tương, đẩy giá đậu tương kỳ hạn ở Chicago đạt mức cao nhất trong gần 6 tuần vào thứ Sáu, từ đó tác động tăng lên giá dầu cọ. 

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/6:

Theo Minh Quân – Tờ MarketTimes


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn