Thị trường bán lẻ Việt sẽ nhảy vọt, bắt kịp xu hướng mới

 


Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ có những bước nhảy vọt trong quá trình phát triển, để bắt kịp xu hướng chung của thế giới về những cửa hàng "phi vật lý", thanh toán không tiền mặt...

Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong quá trình đó, các nhà bán lẻ trong nước với nguồn lực tài chính hạn chế phải tìm lối đi riêng, nhận diện được thế mạnh để cạnh tranh tăng thị phần.

Thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới

Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nhận định về bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới. Ông nói:

Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới. Theo đánh giá độc lập của một công ty nghiên cứu thị trường, sự hấp dẫn này đến từ quy mô dân số Việt Nam ở mức tương đối cao, tỉ lệ tham gia của nhà bán lẻ hiện đại vẫn còn rất thấp, chỉ hơn 20% nên dư địa phát triển còn rất nhiều.

Những đặc điểm đó cũng cho thấy thị trường có những điểm mạnh với quy mô 100 triệu dân, trong đó một vài thị trường có mức độ tập trung cao. 

Bản thân thị trường bán lẻ Việt cũng mở cửa sớm, theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do đó việc tiếp cận và phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại cũng gắn với quá trình mở cửa kinh tế, du nhập nhiều công cụ, công nghệ có trình độ phát triển khá nhanh trong thời gian vừa qua.

Thị trường cũng sớm định hướng rõ ràng từ cơ quan chức năng, trong đó có ngành công thương. Các đề án đều ủng hộ và thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển đa dạng, nhanh chóng hơn.

Đặc biệt là tính thích ứng nhanh của thị trường bán lẻ. Người tiêu dùng cho thấy họ thích ứng rất nhanh, dễ chấp nhận những mô hình mới, du nhập từ nước ngoài về hay các thị trường phát triển như thương mại điện tử...

Điểm cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh là sự kết hợp khá tốt giữa các ngành công nghiệp khác nhau để phục vụ cho bán lẻ. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất của ngành cũng đến từ yếu tố này, sự ủng hộ của các ngành vẫn chưa tạo được một sự đồng bộ cho bán lẻ phát triển như logistics, công nghệ thông tin hay các phương thức thanh toán...

* Ngoài ra, ông nhìn nhận thị trường bán lẻ còn những thách thức nào nữa?

- Hạn chế của thị trường là sự chưa tập trung, thiếu vắng những nhà bán lẻ vận hành quy mô lớn, đặc biệt là đối với ngành liên quan đến thương mại điện tử. 

Cảm giác các nhà bán lẻ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn khá manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo được nguồn lực lớn để phát triển. 

Hạn chế khác là nguồn lực của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn hơi lép vế so với nhà bán lẻ ngoại.

* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sức mua thị trường đang yếu, vậy các nhà bán lẻ có giải pháp gì?

- Khó khăn của thị trường là bức tranh chung và suy giảm sức mua trong bán lẻ là những phản ánh đầu tiên vì mảng này tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ vì thế phải có phản ứng nhanh nhất và cụ thể hóa tốt nhất với những chính sách, giải pháp của cơ quan nhà nước.

Đơn cử như việc giảm thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp bán lẻ phải thực hiện rất nhanh để mặt bằng giá mới có thể hỗ trợ sức mua thị trường.

Thứ hai là giải pháp liên quan đến việc hợp tác của các đơn vị thuộc ngành bán lẻ, tạo nên sự kích cầu mang tính chất tổng thể của nền kinh tế để có những hỗ trợ tốt hơn.

Các nhà bán lẻ phải là đơn vị phản ánh tiếng nói trực tiếp của người tiêu dùng, của đơn vị sản xuất để tạo nên chuỗi toàn diện trong cung cầu giai đoạn hiện nay. Bản thân Saigon Co.op cũng đang có những thương thảo với Saigontourist Group, Vietravel... thực hiện những chương trình kích cầu chéo này.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải hiểu thế mạnh riêng

* Trong xu thế tất yếu hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính mạnh. Làm sao để các nhà bán lẻ trong nước tập trung, phát huy được thế mạnh của mình?

- Việc các đơn vị bán lẻ nước ngoài cùng tham gia vào thị trường là một dấu hiệu tích cực vì bản thân họ đã có nhiều kinh nghiệm tích lũy, trình độ từ các thị trường trên thế giới. Điều này giúp ngành bán lẻ Việt có sự phát triển cao hơn và người tiêu dùng có lựa chọn mang tính cạnh tranh, bền vững.

Nhưng để cạnh tranh, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng không thể ngồi chờ mà cần có sự chủ động hơn trong việc tự nâng cao chính bản thân mình, học hỏi những mô hình mới, xu thế mới hay ứng dụng mới, thậm chí là đi tắt, đón đầu trong công nghệ. Hay có sự áp dụng phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế là thấu hiểu hơn người tiêu dùng trong nước. Và yếu tố này cần được chuyển hóa, biến thành những chương trình thiết thực. 

Doanh nghiệp nội địa cũng cần có sự tập trung, nó mang tính chất sâu hơn, hiểu thế mạnh cốt lõi của mình, để mình lựa chọn thị trường phù hợp.

Ví dụ như Co.opFood cũng là một "vũ khí" của Saigon Co.op. Khi mô hình Co.opFood ra đời, cửa hàng được xác định không phải là siêu thị mini mà là một cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm, tiên phong mở trong các khu dân cư, tòa nhà. 

Thời điểm đó, thị trường cũng có những mô hình khác nhau nhưng với một điểm bán chuyên về thực phẩm thì có thể nói Co.opFood là người tiên phong. Mô hình này đã thành công và chiếm lĩnh ở các thành phố, đô thị, đa dạng hóa mô hình phân phối của thị trường bán lẻ.

Tôi nghĩ trong lĩnh vực bán lẻ, hiểu mình mạnh nhất ở mô hình nào và tập trung làm đúng việc đó thì thành công sẽ cao hơn.

* Ông dự báo xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới như thế nào?

- Đầu tiên là tỉ lệ đóng góp của bán lẻ hiện đại trong tổng thể chung cần có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tỉ trọng bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện chỉ khoảng 20%, vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Riêng ở Việt Nam, bán lẻ có thể có bước nhảy vọt, bỏ qua một quy trình phát triển thông thường, sẽ không tuần tự từ truyền thống sang hiện đại mà có thể nhảy sang các cửa hàng phi vật lý của thương mại điện tử, cửa hàng bán tự động để kịp xu thế chung của bán lẻ thế giới... 

Điều này đòi hỏi tầm nhìn trước về mặt quản lý để các quy định có sự phù hợp, tránh lạc hậu.

Xu hướng của bán lẻ Việt Nam cũng được đánh giá sẽ đi nhanh và đi sớm gắn với ứng dụng Dữ liệu lớn (Big data), Khai thác dữ liệu (Data Analytic) và Trí tuệ nhân tạo (AI)... 

Bán lẻ Việt cũng đi nhanh với các thói quen tiêu dùng mới như thanh toán không tiền mặt. Tôi tin, tỉ trọng trong thanh toán này sẽ có bước nhảy vọt rất cao và đòi hỏi sự chuẩn bị tích cực từ các đơn vị trong hệ sinh thái.

Theo Hải Kim – Tờ Tuoitreonline

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn