Giá hàng hóa dự báo biến động mạnh trong nửa cuối năm, cổ phiếu ngành nào hưởng lợi?


Agriseco Research đánh giá một số hàng hoá sẽ có xu hướng hồi phục tích cực từ đây đến cuối năm 2023 và một số doanh nghiệp hưởng lợi.

Tại Việt Nam, kết quả kinh doanh nhiều ngành nghề đã và đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá hàng hóa, đặc biệt tại các ngành có cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào lớn. 

Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research cho rằng giá hàng hóa có thể tiếp tục biến động khó lường trong phần còn lại của năm 2023. Mặc dù đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng giá hàng hóa vẫn đang cao hơn mức trước đại dịch Covid 19.

Trong nửa cuối năm 2023, Agriseco Research giá các loại hàng hóa có thể biến động trái chiều nhưng nhìn chung sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm khi nền kinh tế toàn cầu đang ảm đạm và đối diện với nguy cơ suy thoái.  

Dưới đây là một số mặt hàng được Agriseco Research đánh giá sẽ có xu hướng hồi phục tích cực từ đây đến cuối năm 2023 và một số doanh nghiệp hưởng lợi.

Đối với giá dầu Brent, dù giá dầu đang trên đà giảm do nguồn cung dư thừa và nhu cầu tiêu thụ giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, song Agriseco Research cho rằng giá dầu có thể phục hồi khi OPEC cắt giảm sản lượng nhằm ổn định dầu. 

Cụ thể vào tháng 4/2023 vừa qua, nhóm OPEC đã giảm sản lượng 310.000 thùng/ngày và tiếp tục cắt giảm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023. Từ phía Nga, sản lượng dầu của quốc gia này trong tháng 4/2023 cũng đã giảm 290.000 thùng/ngày và có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại năm 2023. 

Khi giá dầu vẫn neo cao, Agriseco Research đánh giá tích cực cổ phiếu PVD. Đồng thời, PVD còn có lợi thế là một trong những doanh nghiệp thượng nguồn hưởng lợi sớm từ dự án Lô B – Ô Môn. Việc giá cho thuê giàn khoan tiếp tục neo cao cũng được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của PVD trong năm 2023.

Về giá đường, Agriseco Research cho rằng giá đường đang trong xu hướng tăng khá mạnh 1 năm trở lại đây khi dao động quanh mức 25 USD/lb, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Giá đường có thể tiếp tục xu hướng tăng và duy trì mức cao bởi nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt. USDA dự báo sản lượng đường dự trữ sẽ giảm 13% trong niên vụ 2022/2023 chủ yếu do sản lượng của cả Ấn Độ và Trung Quốc sụt giảm bởi tình hình thời tiết không thuận lợi. 

Theo Agriseco Research, cổ phiếu QNS sẽ được hưởng lợi nhất từ xu hướng tăng của giá đường. Bên cạnh đó, chính sách áp thuế với đường Thái Lan hỗ trợ ngành đường trong nước, cộng thêm sản lượng đường tăng trưởng mạnh trong niên vụ 2022 – 2023 cũng là lợi thế lớn của doanh nghiệp này.

Đối với giá heo, sau giai đoạn duy trì ở vùng giá khá thấp khoảng 50.000 đ/kg những tháng cuối năm 2022 và đầu 2023, giá heo hơi đã có dấu hiệu phục hồi trở lại từ đầu tháng 5 và đang ở mức 60.000 đ/kg. Agriseco Research cho rằng giá heo có thể tiếp tục xu hướng phục hồi lên vùng 60.000 – 70.000 đ/kg bởi nguồn cung sụt giảm mạnh khi nhiều hộ chăn nuôi cá thể đã treo chuồng sau thời gian dài thua lỗ. Đồng thời, ngành du lịch, dịch vụ phục hồi là động lực giúp cho nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng lên hỗ trợ đà tăng của giá heo. Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trên thị trường. 

Với kỳ vọng giá lợn hơi chạm đáy và dần hồi phục, Agriseco Research cho rằng cổ phiếu DBC sẽ có triển vọng tích cực. Khi hiện nay giá lợn hồi phục có thể tạo điều kiện thuận lợi để DBC có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Ngoài ra, phần điều chỉnh giảm doanh thu và LN từ mảng BDS trong năm 2022 có thể được ghi nhận trong năm 2023 qua đó hỗ trợ KQKD năm nay. 

Giá thép thế giới có thể đi ngang trong nửa cuối năm 2023 bởi triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan, thị trường BDS ở Trung Quốc vẫn ảm đạm. Đối với thị trường trong nước, tiêu thụ thép xây dựng trong Q2/2023 vẫn sẽ yếu do thị trường BDS đang gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, Agriseco Research đánh giá sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi rõ nét hơn kể từ cuối Q3/2023 nhờ (1) Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ thị trường BDS tập trung vào thảo gỡ những vướng mắc lớn nhất liên quan đến pháp lý và nguồn vốn; (2) Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Mặc dù vậy, tốc độ phục hồi cả về sản lượng lẫn giá thép sẽ chậm do các chính sách hỗ trợ và mặt bằng lãi suất thấp cần thêm thời gian để thẩm thấu. 

Với vị thế là doanh nghiệp ngành thép hàng đầu, nhóm phân tích cho rằng HPG sẽ được hưởng lợi khi (1) bắt đầu mở lại lò cao khi giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua (2) nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng có thể dần phục hồi kể từ Q3 (3) sản lượng xuất khẩu khả quan.

 Theo Mai Chi - Tờ MarketTimes

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn