Hiện hữu nguy cơ thiếu điện


 (PLVN) -  Vừa vào mùa nắng nóng, hàng loạt thông tin về tình hình thiếu điện được đưa ra. Trong khi các hồ thủy điện đã về mực nước chết thì tại các thành phố lớn, tiêu thụ điện liên tục đạt đỉnh mới càng khiến cho nguy cơ thiếu điện mùa hè 2023 trở nên hiện hữu.

EVN đề nghị các địa phương tiết kiệm 50% sản lượng điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng.
EVN đề nghị các địa phương tiết kiệm 50% sản lượng điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng.

Liên tục thiết lập các kỷ lục tiêu thụ điện

Lần đầu tiên, ngành điện TP HCM đã thông tin về việc tiêu thụ điện liên tục đạt đỉnh mới trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Cụ thể, ngày 21/4 sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,53 triệu kWh/ngày; Ngày 25/4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,566 triệu kWh/ngày; Ngày 5/5, sản lượng điện tiêu thụ đạt 94,434 triệu kWh/ngày và mới đây nhất, ngày 6/5 ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh. Trong khi 3 năm trở lại đây, vào khoảng thời gian này sản lượng đỉnh của TP HCM chỉ đạt dưới 80 triệu kWh/ngày; Kỷ lục tiêu thụ điện trong một ngày cũng phá xa so với đỉnh cũ, với mức chênh lệch lên tới 3 triệu kWh/ngày.

Thông tin về nắng nóng khiến sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô liên tục tăng cao cũng được Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đưa ra. Theo đó, sản lượng tiêu thụ ngày bình quân tháng 5 (tính đến 18/5) là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh). Dự báo, sản lượng này sẽ tiếp tục tăng lên khi thời tiết Hà Nội tiếp tục nắng nóng kéo dài. Đại diện EVNHANOI cho biết, sản lượng điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng trên 53% sản lượng điện của EVNHANOI, chính vì vậy lưới điện phân phối có thể xảy ra tình trạng quá tải trong cao điểm mùa nắng nóng do nhu cầu phụ tải tăng đột biến.

Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho biết, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7. Cụ thể, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần (ngày 6/5/2023) và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng tiêu thụ điện trên toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 895 triệu kWh. Đây là lượng tiêu thụ điện cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022, công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300MW (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022).

Thực tế, tình hình tiêu thụ điện sẽ tăng cao trong mùa hè 2023 đã được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo từ trước. Bộ Công Thương khẳng định, theo kế hoạch, sản lượng điện vẫn đủ để sử dụng trong năm 2023 nhưng “sẽ có những ngày cực đoan, hệ thống điện quá tải”. Cùng với đó, việc các hồ thủy điện về mực nước chết, tình hình cung cấp than - khí cho sản xuất điện chưa ổn định, thậm chí thấp hơn so với kế hoạch nên việc quá tải hệ thống điện hoàn toàn có thể xảy ra.

Đáng chú ý, mới đây nhất, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để đề xuất PVN xem xét cho ngừng toàn bộ Nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay đến hết tháng 5. Điều này cho thấy tình trạng căng thẳng trong cung ứng điện.

Đồng loạt triển khai các giải pháp tiết kiệm điện

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 18/5 vừa qua, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, câu chuyện thiếu điện vào mùa hè luôn xảy ra hàng năm nhưng năm nay, trước thông tin về các hiện tượng thời tiết cực đoan, dự báo hệ thống điện sẽ lại có một năm rất khó khăn, nhất là trong tình thế thủy điện thiếu nước, nguồn năng lượng tái tạo có sẵn nhưng chưa đủ điều kiện huy động.

Do đó, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong vấn đề vận hành, cũng như cung ứng nhiên liệu về than, khí cho phát điện. Cập nhật mới nhất cũng cho thấy, đã có 8 nhà máy điện gió và điện mặt trời đã được EVN và chủ đầu tư trực tiếp đàm phán và đã có giá tạm thời; Các nhà máy trong danh sách nhà máy được chuyển tiếp đã có giá tạm thời, khi đáp ứng đầy đủ các quy định sẽ được huy động hòa lưới.

Trước đó, EVN cũng đã có văn bản kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10%; các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm 5%; Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so với cùng kỳ. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm.

Trong tình thế cung ứng điện khó khăn, đồng loạt UBND các tỉnh đã có các văn bản đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm điện; Các tổng công ty điện lực miền và 2 TP HCM, Hà Nội cũng đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung mọi nguồn lực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để bảo đảm cung cấp điện trong các tháng mùa hè và mùa khô năm 2023.

    Nguồn: baophapluat.vn

EVN thành lập Ban Chỉ đạo tiết kiệm điện

Mới đây, Hội đồng Thành viên EVN đã ban hành Quyết định 60/QĐ-HĐTV về việc thành lập Ban Chỉ đạo tiết kiệm điện và bảo đảm cung ứng điện năm 2023 của EVN. Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ quyết định giải pháp/chỉ tiêu, chỉ đạo toàn diện công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, điều chỉnh phụ tải điện, điều hòa phụ tải điện.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn