Doanh nghiệp đưa Xiaomi từ con số 0 đến top 3 thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam


Trong khi Thế giới Di động rơi vào tình trạng lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây thì doanh nghiệp này lại tự tin khẳng định "từ ngày thành lập đến giờ chưa có quý nào bị lỗ".

CTCP Thế giới Số - DGW là công ty phân phối các sản phẩm điện máy được thành lập năm 1997 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ năm 2015.

Hiện nay, DGW đang phân phối các sản phẩm trong lĩnh vực ICT (máy tính xách tay và máy tính bảng, điện thoại di động), thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng với các thương hiệu lớn trên toàn cầu.

DGW hiện đang phân phối hơn 30 thương hiệu, có thể kể đến những thương hiệu nổi bật gồm Xiaomi và Apple ở mảng điện thoại di động, HP và Asus ở mảng Laptop và máy tính bảng hay Logitech ở mảng Thiết bị văn phòng.

DGW cung cấp dịch vụ phân phối toàn diện, gọi là MES (Market Expansion Services) cho các nhãn hàng, với 5 dịch vụ từ nghiên cứu thị trường, phân phối, marketing và bán hàng, thương mại điện tử đến hậu mãi.

Nói đơn giản hơn, ngoài cung cấp dịch vụ ở khâu phân phối (bao gồm khâu nhập khẩu, lưu kho và phân phối), DGW còn cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm như dịch vụ phân tích, dự báo thị trường cũng như chiến lược phát triển thương hiệu tại Việt Nam.

Nhờ đó, DGW tăng cường kết nối với các nhà sản xuất và bán lẻ để phát huy vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị phân phối nhờ vào việc nắm bắt trọn vẹn nhu cầu giữa sản xuất và tiêu dùng.

Hiện DGW đang triển khai MES cho khoảng 40% các hợp đồng mà DGW đã ký kết. Với dịch vụ MES, DGW có thể thu hút, mở rộng tệp khách hàng mới và tạo sự trung thành của những khách hàng này khi họ muốn gia nhập thị trường Việt Nam, tạo giá trị gia tăng cho DGW đối với khách hàng mới.

Câu chuyện thành công của MES chính là Xiaomi, công ty mà DGW đã cung cấp dịch vụ MES cho Xiaomi và xây dựng mạng lưới phân phối cho Xiaomi từ con số 0 đến Top 3 về thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam với khoảng 15% thị phần vào năm 2022.

Theo tính toán của Công ty chứng khoán VnDirect, dù không còn là nhà phân phối độc quyền sản phẩm Xiaomi nhưng  DGW sẽ duy trì việc nắm giữ hơn 80% thị phần của Xiaomi tại thị trường Việt Nam trong 3 năm tới.

DGW đạt mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong giai đoạn 2018 - 2022 với tăng trưởng kép 38,6% và đạt 22.107 tỷ đồng trong năm 2022. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của điện thoại thông minh Xiaomi trong cùng kỳ, đạt tốc độ tăng trưởng kép khoảng 43,2% và đóng góp 30,1% vào doanh thu năm 2022 của DGW.

Bên cạnh đó, với hợp đồng phân phối sản phẩm Apple từ năm 2020, doanh thu từ Apple bắt đầu đóng góp 12,7%/17,8% vào tổng doanh thu DGW trong năm 2021 - 2022.

Ngoài ra, với nhu cầu sử dụng laptop và máy tính bảng tăng cao trong giai đoạn chịu ảnh hưởngcủa dịch Covid -19, doanh thu máy tính xách tay và máy tính bảng cũng đạt tốc độ tăng trưởng kép là 29,1% trong giai đoạn 2018 - 2022, đóng góp 25,6% vào tổng doanh thu của DGW vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của DGW cũng đạt tốc độ tăng trưởng kép là 57,6% trong giai đoạn 2018 - 2022.

Trong 4 năm qua, DGW đã trở thành công ty phân phối ICT (các sản phẩm Công nghệ thông tin và Truyền thông như điện thoại, laptop, máy tính bảng) dẫn đầu tại Việt Nam về doanh thu.

Theo ước tính của Công ty chứng khoán VnDirect, với doanh thu ICT của DGW đạt 17.756 tỷ đồng vào năm 2021 và 17.768 tỷ đồng trong 2022, DGW có doanh thu ICT cao hơn các công ty phân phối khác trong ngành bao gồm PET (công ty con thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam sở hữu 23% PET) và Synnex FPT (công ty liên kết của Tập đoàn FPT và Tập đoàn Synnex).

Bên cạnh quy mô doanh thu, DGW còn sở hữu chuỗi phân phối lớn nhất so với các công ty phân phối ICT kể trên với vị trí dẫn đầu khi có mạng lưới khoảng 6.000 điểm bán hàng (POS) so với 1.700 POS của PET và 3.800 POS của Synnex FPT.

Về cơ cấu cổ đông, Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt là người đứng đầu DGW kể từ khi thành lập và vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty. Ban lãnh đạo sở hữu 46,6% cổ phần của DGW và tỷ lệ sở hữu này hầu như không thay đổi kể từ khi DGW niêm yết.

Các cổ đông lớn nội bộ bao gồm Công ty TNHH Created Future (Công ty mẹ của TGĐ), Công ty TNHH DKP (Đặng Kiên Phương – TGĐ kiêm TV HĐQT), Công ty TNHH DHV (Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT), Công ty TNHH TOHT (Tô Hồng Trang – Phó TGĐ kiêm TV HĐQT).

Năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn chung của ngành ICT.  Nguyên nhân là do chi tiêu của người dân cho các sản phẩm không thiết yếu giảm, tình trạng thắt chặt tài chính tiêu dùng và các doanh nghiệp bán lẻ ưu tiên giảm hàng tồn kho để bảo vệ dòng tiền thay vì tăng nhập hàng từ nhà phân phối. Và khó khăn này cũng không phải là ngoại lệ đối với DGW.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023, doanh thu của công ty đã giảm 43,5% so với cùng kỳ xuống 3.960 tỷ đồng. Thu nhập tài chính thuần giảm 82% so với cùng kỳ xuống 10,4 tỷ đồng do lãi suất tăng trong khi nợ ngắn hạn tăng 13%  lên 1.979 tỷ đồng trong quý 1/2023. Kết quả là, lợi nhuận ròng quý 1 của DGW đạt 79,4 tỷ đồng, giảm 62,3% so với cùng kỳ, có khả năng đã chạm đáy về lợi nhuận ròng.

Mặc dù tăng trưởng giá trị thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam ở mức dưới 2 con số, nhưng theo phân tích của VnDirect, vẫn có một số điểm sáng cho tăng trưởng của DGW trong 5 năm tới.

Đầu tiên là  lộ trình tắt 2G và tăng trưởng mạng 5G để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhờ vào chuyển đổi từ phổ thông sang điện thoại thông minh. Hai là Chính phủ siết chặt hàng xách tay để khuyến khích các nhà phân phối chính hãng.

Ba là nhu cầu cao đối với điện thoại thông minh cao cấp tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm Apple. Cuối cùng là sự bùng nổ của dịch vụ giải trí trực tuyến và tiêu thụ để hỗ trợ thương hiệu doanh thu chính của DGW: Xiaomi và Apple.

Theo Pha Lê – Tờ MarketTimes

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn